Trong vài thập kỷ gần đây, CGI, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính, dường như đã thống trị nhiều bộ phim, từ phim truyền hình cho đến các tác phẩm bom tấn kinh điển. Bằng việc kích thích thị giác của người xem, CGI đã trở thành một cuộc cách mạng trong phim ảnh, là “phù thủy” đằng sau những hình ảnh ấn tượng. Vậy CGI là gì, nó bao gồm những gì và được ứng dụng ra sao, hãy tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.
Mục lục
CGI là gì?
CGI là tên viết tắt của Computer-generated imagery, nghĩa là hình ảnh do máy tính tạo ra. Nó được biết đến là một công nghệ của đồ họa máy tính, nhằm để tạo ra các hình ảnh 3D hoặc 2D sống động cho nhiều mục đích khác nhau. Từ nghệ thuật thị giác, quảng cáo, mô hình giải phẫu, thiết kế kiến trúc, kỹ thuật cho đến các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, các hiệu ứng phim cũng như ứng dụng thực tế tăng cường AR và thực tế ảo VR.
Có thể nói, không thể phủ nhận sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của hình ảnh được tạo ra từ máy tính (CGI) trong điện ảnh hiện đại. Kể từ đầu những năm 1990, sự xuất hiện của CGI như một cơn địa chấn, đã biến đổi ngành công nghiệp điện ảnh, thu hút khán giả bằng những hình ảnh đầy cảm hứng, vượt qua ranh giới những hình ảnh đã có trước đó. Ngày nay, CGI đứng đầu trong ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la, đóng vai trò then chốt trong việc đình hình cách kể chuyện trên màn ảnh rộng.
Lịch sử của CGI trên thế giới
Lịch sử của CGI được cho là bắt nguồn từ năm 1950, khi máy tính cơ học được sử dụng để tạo ra các mẫu trên các ô hoạt hình và sau đó được đưa vào các bộ phim truyện. Bộ phim đầu tiên ứng dụng công nghệ CGI chính Là Vertigo của Alfred Hitchcock (1958).
Đến năm 1973, lần đầu tiên một bộ phim Hollywood sử dụng CGT đó là trong Westworld. Hiệu ứng “Gunslinger” đã đem đến cho khán giả sự ấn tượng nhất định về bộ phim. Chính thành công của CGI trong những bộ phim trước đó đã mở đường cho một loạt các siêu phẩm mới được người hâm mộ đặc biệt yêu thích. Đó chính là Star Wars (1977), Trin (1982), Golgo 13: The Professional (1983).
Có thể nói rằng, công nghệ CGI được ứng dụng tuyệt vời nhất trong thời gian này là Công viên kỷ Jura, ra mắt tại rạp vào năm 1993. Nhờ sự kết hợp của nhiều loại hiệu ứng video, CGI cùng các nhân vật có thật, khủng long đã được đưa vào cuộc sống thật và khiến khán giả kinh ngạc trong một cách hoàn toàn mới chưa từng có trước đây.
Các hoạt động của CGI ra sao?
Đằng sau các hậu trường, một nhóm nghệ sĩ, nhà làm phim hoạt hình và các kỹ thuật viên tài năng đã làm việc không mệt mỏi để đưa công nghệ CGI vào cuộc sống. Từ thiết kế ý tưởng và mô hình hóa đến kết cấu, lắp ráp và hoạt ảnh. Mỗi giai đoạn của quy trình sản xuất CGI đều đòi hỏi sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết và chuyên môn kỹ thuật. Phần mềm và công nghệ kết xuất tiên tiến phát huy tác dụng, đảm bảo rằng mọi pixel đều được tạo ra một cách tỉ mỉ và mọi chuyển động được thực hiện một cách liền mạch.
Hiểu một cách cụ thể hơn, CGI được tạo ra bằng một chuỗi các phương pháp khác nhau. Đầu tiên, nhờ vào các thuận toán của đồ họa máy tính, các nhà thiết kế sẽ tạo ra những cấu trúc, bố cục phức tạp. Tiếp đó là thiết kế đồ họa 2D để tạo ra những hình ảnh dạng vector 3D. Sau nữa là sự can thiệp của các phần mềm đồ họa 3D để tạo ra các dạng khối cơ bản đến phức tạp, đồng thời mô phỏng cách ánh sáng phản chiếu trên bề mặt môi trường và tạo ra hàng loạt các hiệu ứng phức tạp khác nhau.
Những ứng dụng tuyệt vời của công nghệ CGI
Trước khi công nghệ CGI ra đời, các bộ phim thường sử dụng các hiệu ứng đặc biệt từ các hiệu ứng có thật. Điều này đôi khi dẫn đến chi phí cao do tốn kém về nhận lực cũng như làm hư hại đến nhiều tài sản. Giờ đây, khi công nghệ CGI ra đời, phần lớn các bộ phim đã có thể tiết kiệm chi phí hơn, thêm vào đó việc làm phim cũng đơn giản hóa và hình ảnh cũng trung thực, sắc nét và sống động hơn bao giờ hết.
Ngành điện ảnh và truyền hình
CGI đã cách mạng hóa ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình, cho phép tạo ra các hiệu ứng trực quan tuyệt đẹp cũng như các nhân vật sống. Từ những bộ phim giả tưởng hoành tráng như bộ ba “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, nơi công nghệ CGI đưa các sinh vật thần thoại và phong cảnh kỳ ảo vào cuộc sống cho đến những bộ phim bom tấn hùng như “Avengers: Endgame”, nơi CGT được sử dụng để thể hiện các pha hành động phi thường. Dường như, CGI đã trở thành một công cụ không thể thiếu để các nhà làm phim thực hiện hóa những sáng tạo và tầm nhìn của họ.
Các trò chơi điện tử
CGI đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các trò chơi điện tử, cho phép tạo ra các thế giới ảo chi tiết và giúp các nhân vật đắm chìm trong đó. Các trò chơi như “The Witcher 3: Wild Hunt” thể hiện ứng dụng của CGI trong việc tái tạo các nhân vật và môi trường chân thực. Trong khi các trò chơi như “Assassin’s Creed Valhalla” lại sử dụng CGI để tái tạo các bối cảnh lịch sử với độ chính xác và hình ảnh trung thực vượt trội.
Kiến trúc và bất động sản
CGI được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực diễn họa kiến trúc, cho phép các kiến trúc sư và các nà phát triển bất động sản trình bày thiết kế của họ một cách thực tế và hấp dẫn. Kết xuất CGI có thể thể hiện thị không gian bên ngoài và bên trong, hiệu ứng ánh sáng và thậm chí mô phỏng tác động của các vật liệu và các lớp hoàn thiện khác nhau. Điều này phần nào giúp các khách hàng và các nhà đầu tư có hình dung rõ nét hơn về các dự án trước khi tiến hành xây dựng, hỗ trợ quảng cáo và ra quyết định cuối cùng.
Quảng cáo và tiếp thị
CGI đã trở thành một yếu tố chính trong sự phát triển của ngành quảng cáo và tiếp thị, mang lại sự linh hoạt để tạo ra hình ảnh quyến rũ và giới thiệu sản phẩm theo những cách độc đáo khác nhau. Có thể kể đến như các quảng cáo xe hơi sử dụng CGI để trình bày các phương tiện có thiết kế đẹp và phong cách trong môi trường năng động hoặc quảng cáo mỹ phẩm sử dụng CGI để giới thiệu các hiệu ứng biến đổi của các sản phẩm làm đẹp.
Trực quan khoa học
Một trong những ứng dụng của CGI là trong trực quan hóa khoa học để thể hiện các dữ liệu phức tạp, mô phỏng các khái niệm khoa học. Ví dụ CGI được sử dụng để hình dung ra các hiện tượng thiên văn như lỗ đen hoặc để minh họa cấu trúc phân tử trong sinh học và hóa học. Những hình ảnh trực quan này đã phần nào hỗ trợ các nhà khoa học hiểu cũng như truyền đạt kết quả nghiên cứu của họ đến nhiều đối tượng khác nhau.
Công nghệ VR và AR
VR và AR cũng đã sử dụng CGI như một công cụ đắc lực trong việc tạo ra các trải nghiệm sống động trong các ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Cụ thể, trong VR, CGI được sử dụng để hiển thị các môi trường tương tác ảo và thực tế, cho phép người dùng khám phá và tương tác với nó. Trong AR, CGI áp các yếu tố kỹ thuật số lên thế giới thực, nâng cao nhận thức và tương tác của người dùng với môi trường xung quanh.
Giáo dục
Các mô phỏng dựa trên CGI và các công cụ trong giáo dục được sử dụng để tạo ra các trải nghiệm học tập hấp dẫn. Ví dụ CGI có thể được sử dụng để mô phỏng các sự kiện lịch sử, cho phép các sinh viên chứng kiến những khoảnh khắc quan trọng cũng như khám phá các nền văn minh trong một không gian ảo.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực như y học và hàng không, các mô phỏng đào tạo dựa trên CGI giúp cho các học viên và thực tập sinh phát triển các kỹ năng thực tế trong một môi trường an toàn và được kiểm soát. Những ví dụ trên đây chỉ đại diện cho một số các lĩnh vực mà CGI đang được ứng dụng một cách rộng rãi. Có thể thấy, tính linh hoạt và sức mạnh của công nghệ CGI tiếp tục được mở rộng, tạo ra những khả năng mới cho cách kể chuyện bằng hình ảnh, trải nghiệm tương tác và ứng dụng thực tế trong nhiều ngành công nghiệp.
Cập nhật: Ngày 21 Tháng tám, 2023